Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tốt là điều không đơn giản vì phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, phòng tránh bệnh tật tái phát, giúp người cao tuổi vui vẻ thoải mái hơn… Tuy nhiên bạn đừng lo với 6 bí kíp chăm sóc hiệu quả dưới đây.
1. Các vấn đề sức khỏe của người cao tuổi
1.1. Vấn đề về hệ tim mạch
Một trong những bệnh tim mạch nguy hiểm ở người cao tuổi đó là xơ vữa động mạch khiến cấu trúc mạch máu biến đổi, lòng mạch hẹp lại và thành mạch dày lên. Những thay đổi này có thể dẫn tới các bệnh lý như cao huyết áp, xơ vữa mạch máu gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim. Các triệu chứng cơ bản như rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột…
Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh về tim mạch (Nguồn: ancungnguuhoan.com)
1.2. Vấn đề về hệ miễn dịch
Suy giảm hệ miễn dịch là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng dễ nhiễm trùng ở người cao tuổi, dễ gặp nhất là nhiễm trùng phổi. Khi quá trình lão hoá diễn ra ngày càng nhanh khiến suy giảm nghiêm trọng tế bào T – tế bào mất dần theo tuổi tác. Nguyên nhân do sự suy giảm chức năng của tuyến ức hoặc tuỷ xương không tiếp tục sản sinh ra các tế bào gốc – tế bào sinh ra tế bào miễn dịch.
1.3. Vấn đề về hô hấp
Tuổi càng cao, hình dạng của lồng ngực càng bị biến đổi nhiều, khả năng hấp thu oxy và máu động mạch trong cơ thể giảm xuống gây ra tình trạng thiếu oxy tổ chức. Đây là khởi nguồn khiến người lớn tuổi phải chịu đựng nhiều bệnh như hen phế quản, viêm họng, tâm phế mạn tính, giãn phế quản… Do vậy, cần có cách chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi phù hợp, hiệu quả.
1.4. Vấn đề về tiêu hóa
Hệ miễn dịch suy giảm nên các hệ khác trong cơ thể dễ bị tác nhân gây bệnh tấn công như hệ tiêu hoá. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể làm rối loạn hệ tiêu hoá và gây ra các bệnh như ăn không tiêu, viêm loét miệng, đầy bụng, ợ hơi, viêm loét đại dạ dày tá tràng,…
1.5. Vấn đề về hệ thần kinh
Lão hoá là nguyên nhân gây nên sự kém hoạt động của hệ thần kinh cùng với quá trình dẫn truyền xung động thần kinh giảm gây ra một loại triệu chứng bệnh thần kinh mà người cao tuổi mắc phải như chức năng các giác quan suy giảm, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, nhạy cảm với thời tiết… Nặng hơn là trầm cảm, rối loạn trí nhớ và khả năng nhận thức kém dẫn tới mất trí nhớ, teo não.
1.6. Vấn đề về dinh dưỡng
Chức năng của các cơ quan trong cơ thể theo tuổi tác giảm dần đều, cường độ trao đổi chất cũng giảm nên bị thiếu hụt dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể. Người cao tuổi thường ăn uống khó khăn do mất răng, giảm dịch vị, yếu mệt… điều này càng khiến dinh dưỡng bị thiếu hụt, ảnh hưởng tới sức khoẻ và là tiền đề gây ra nhiều bệnh tật khác.
1.7. Vấn đề về hệ xương khớp
Khi có tuổi, bộ máy vận động của con người trở nên rệu rã, dễ bị tổn thương và khó có thể chống cự lại những yếu tố gây hại của môi trường như tai nạn, chấn thương, bệnh tật. Hậu quả là người già thường gặp các bệnh vê hệ xương khớp như: loãng xương, thoái hoá khớp, gút, đau cột sống thắt lưng, ung thư xương….
2. Các phương pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
2.1. Chế độ dinh dưỡng cân đối
Người cao tuổi cần được ăn uống đủ chất để cơ thể không bị thiếu nước, thiếu chất điện giải. Theo đó, các món canh trong bữa ăn hàng ngày rất cần thiết. Hãy chú ý tới vấn đề cân bằng dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn nhiều rau củ quả, giảm thịt. Không ăn nhiều nội tạng động vật, ăn thêm cua, cá, tôm. Giảm bớt chất béo, đồ ngọt, không nên ăn quá chua hoặc mặn.
Việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi rất khó, không nên ép họ ăn quá nhiều để tạo cảm giác thoải mái, ngon miệng. Thể trạng mỗi người khác nhau cho nên nhu cầu đối với việc cung cấp dinh dưỡng cho từng cá nhân cũng khác nhau. Hãy chia nhỏ bữa ăn để đưa các dưỡng chất vào cơ thể dễ dàng hơn, hấp thu nhanh chóng hơn. Bên cạnh bữa ăn cân đối, đa dạng thì người cao tuổi cần chú ý uống 1-2 ly sữa mỗi ngày để cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tăng cường sức khoẻ, hạn chế bệnh tim mạch và duy trì sự minh mẫn.
2.2. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Người lớn tuổi thường mắc các bệnh khác nhau do tuổi tác, suy giảm hệ thống đề kháng và tiêu hoá. Đa số các bệnh người già đều khó chữa dứt điểm và tăng nặng theo thời gian. Do đó, cần chủ động đi khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần nhằm phát hiện sớm ngay từ đầu các bệnh để có biện pháp điều trị đúng kịp thời, nhằm hạn chế hoặc tăng khả năng điều trị khỏi hẳn bệnh khi còn mới.
2.3. Luôn vận động và rèn luyện
Trong các nguyên tắc nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi thì rèn luyện sức khoẻ, vận động thể dục thường xuyên với các bài tập đơn giản như đi bộ 1-2 tiếng mỗi ngày có thể phòng chống nhiều bệnh về tim mạch, suy giảm trí nhớ, huyết áp, rối loạn tuần hoàn não… Vận động chính là cách để giúp người cao tuổi giải quyết các vấn đề về sức khoẻ, tăng sự nhịp nhàng toàn thân, hỗ trợ duy trì huyết áp và cholesterol ổn định, tim phổi tăng hiệu năng, khớp xương co duỗi tốt, trí óc minh mẫn, thịt xương cứng áp… góp phần gia tăng tuổi thọ ở người lớn tuổi.
2.4. Luôn chia sẻ lắng nghe người cao tuổi
Người cao tuổi thường cảm thấy trống trải, cô đơn, họ cần tình yêu thương, quan tâm chăm sóc của con cháu, người thân bên cạnh. Hãy luôn tạo ra không gian thoải mái, vui vẻ, gần gũi trò chuyện, tâm sự với họ, sắp xếp thời gian thăm hỏi hoặc đưa ông bà đi du lịch nghỉ dưỡng cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng để người cao tuổi yêu đời hơn. Nhiều khi chỉ cần những cử chỉ như ôm vai, nắm tay cũng khiến người lớn tuổi vui hơn, cảm thấy con cháu thương quý mình.
2.5. Cẩn trọng dùng thuốc và thực phẩm chức năng
Người cao tuổi có nhiều bệnh do vậy luôn luôn chứa sẵn các loại thuốc phòng bệnh cũng như chuẩn bị thực phẩm chức năng uống để bồi bổ sức khoẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý dùng thuốc và thực phẩm chức năng phù hợp với thể trạng, có đơn kê của bác sĩ, không tuỳ ý tự mua về dùng vì chỉ khi phát hiện bệnh chính xác bác sĩ mới kê đơn được, tự mua thuốc uống có thể gây ra biến chứng khiến bệnh nặng hơn. Hơn thế, việc lạm dụng thực phẩm chức năng có thể gây hại cho các bộ phận trong cơ thể.
2.6. Để người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội
Một trong những cách chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi là tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động quần chúng, xã hội giúp tâm hồn thư thái, thoải mái khi được tiếp xúc nói chuyện với nhiều người. Từ đó giúp người già bớt mệt mỏi, chán nản. Nhiều hoạt động ý nghĩa như tập dưỡng sinh, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, hội nhóm ở địa phương… cũng là cách nâng cáo sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần rất tốt cho người cao tuổi.
Tham gia hội nhóm, tập dưỡng sinh để khỏe người, tinh thần minh mẫn (Nguồn: phuong11govap.gov.vn)
3. Chăm sóc người lớn tuổi chú ý gì?
3.1. Người già nên được ngủ đủ và ngủ sâu
Người lớn tuổi có lượng hóc môn tăng trưởng sản sinh thấp hơn nên giảm nhu cầu ngủ sâu giấc. Khi diễn ra điều này, cơ thể tiết ra ít melatonin hơn nên họ thường dậy thường xuyên vào ban đêm. Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tốt nhất lúc này là chú ý động viên họ ngủ sớm vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vào buổi sáng. Dành thời gian ngủ tối nhiều để đủ thời gian ngủ cần thiết của cơ thể hoặc ngủ thêm vào buổi trưa.
3.2. Không để phát bệnh mới gặp bác sĩ
Tuổi càng cao, các cơ quan càng bị lão hoá nhanh do đó luôn tiềm ẩn phát sinh nhiều bệnh gây hại cho sức khoẻ. Không nên để các bệnh như xương khớp, tim mạch, tai biến, huyết áp… phát sinh mới đến bệnh viện. Do đó, việc khám sức khoẻ định kì là rất cần thiết để bảo đảm rằng ông bà cha mẹ có sức khoẻ tốt, nếu phát hiện bệnh có định hướng điều trị hoặc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng thích hợp. Hiện nay, những dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi tại nhà nở rộ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại đáng kể, bạn có thể tham khảo sử dụng dịch vụ này cho người lớn tuổi trong nhà nếu bận rộn hay sức khỏe họ hạn chế việc đi lại.
3.3. Chú ý đến các dấu hiệu bất thường
Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, người già không nên chủ quan hãy tới ngay cơ sở y tế kiểm tra, thăm khám nếu phát hiện bệnh có thể điều trị kịp thời. Đây là cách bảo vệ sức khỏe người cao tuổi tối ưu cần chú ý.
3.4. Kiên trì, nhẫn nại khi chăm sóc người già
Do nhiều thay đổi thể chất và tâm lý, người già chậm chạp, khó tính, một số người mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân. Điều này khiến cho không ít người bị rơi vào trạng thái lo lắng quá độ, luôn luôn đòi hỏi con cháu ở bên cạnh chăm sóc, dễ cáu gắt, khó chịu và thường cảm thấy mình bị lãng quên, thừa thãi. Hơn nữa, họ khó hoà nhập với cuộc sống năng động của những người trẻ trong gia đình nên dễ cảm thấy cô đơn.
Chính vì thế những người thân trong gia đình cần hết sức thông cảm, nhẫn nại, kiên trì khi chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi để họ luôn cảm thấy được yêu thương, không phải là gánh nặng cho người thân. Những người ngoài 50 tuổi thường có mong ước được đi du lịch, về quê thăm họ hàng, bà con bạn nên tạo điều kiện, khuyến khích họ thực hiện hoặc dành thời gian tổ chức các chuyến đi dã ngoại, đi du lịch gia đình.
Trò chuyện, động viên người cao tuổi để tinh thần họ thoải mái, yêu đời hơn (Nguồn: dotquynao.com)
3.5. Người chăm sóc nên có đủ sức khỏe tốt
Việc chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi nhất là những người gặp vấn đề về sức khoẻ khiến người chăm sóc gặp những khó khăn trong sắp xếp thời gian để quan tâm hơn cho bản thân mình. Vì vậy, để đảm bảo cơ thể luôn mạnh khoẻ, có đủ sức chăm sóc người thân, khiến họ cảm thấy lạc quan không trở thành gánh nặng thì người chăm sóc nên có sức khoẻ ổn định. Hãy chia sẻ công việc với những người trong gia đình, cung cấp dinh dưỡng và lượng nước cần thiết mỗi ngày cũng như bảo đảm bản thân có khoảng thời gian giải trí riêng.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi không hề đơn giản, dễ dàng, bản thân người chăm sóc cùng những người thân trong gia đình cần thấu hiểu tâm lý, sức khỏe và có sự quan tâm, yêu thương người cao tuổi trong gia đình nhiều hơn. Hy vọng với 6 phương pháp chăm sóc cùng những chú ý được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn chăm sóc tốt nhất cho người thân lớn tuổi của mình, tạo được niềm vui, hạnh phúc, sự thư giãn, thoải mái trong tâm hồn cho họ.