Bệnh giác mạc hình chóp là gì, nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị


Với tỷ lệ mắc là 1/2000, giác mạc hình chóp là một bệnh lý về mắt khá phổ biến ở những người trong độ tuổi vị thành niên bao gồm những biểu hiện trên bề mặt giác mạc và sự suy giảm về thị lực. Dưới đây là những thông tin cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh giác mạc hình chóp.

1. Bệnh giác mạc hình chóp là gì

Bệnh giác mạc hình chóp hay còn gọi giác mạc hình nón là một trong những rối loạn của mắt do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau như môi trường, yếu tố di truyền, nội tiết tố… Trong đó, phần giác mạc sẽ bị mỏng dần và phình ra, võng xuống trông giống như hình nón/hình chóp ở trên mắt. Căn bệnh này thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 10- 25 tuổi. 

Hình ảnh mô phỏng rối loạn giác mạc hình chóp ở mắt

Hình ảnh mô phỏng rối loạn giác mạc hình chóp ở mắt (Nguồn: framesbuy.com.au)

2. Nguyên nhân mắc bệnh giác mạc hình nón

Nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh này vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Tuy nhiên theo như nghiên cứu, những yếu tố dưới đây có liên quan mật thiết tới sự khởi phát của căn bệnh giác mạc hình nón này: 

2.1. Tuổi tác

Bệnh xuất hiện chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên trong khoảng từ 10-25 tuổi, tuy nhiên mức độ biểu hiện cũng rất khác nhau và cũng không có khung giới hạn nhất định về độ tuổi mắc bệnh. 

Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên

Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên (Nguồn: matvietnga.com)

2.2. Tiểu sử mắc một số bệnh lý

Theo như ghi nhận thì những người có tiền sử mắc các bệnh về mắt như bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ, viêm kết mạc vào mùa xuân có nguy cơ dễ mắc phải. Ngoài ra, căn bệnh này cũng có mối liên hệ trực tiếp với những hội chứng như Alport, Down Và Marfan. 

2.3. Cơ địa dị ứng

Những người có cơ địa hay bị dị ứng như viêm kết mạc dị ứng, dị ứng trên da, chàm, hen suyễn… dường như cũng có nguy cơ mắc bệnh giác mạc hình chóp cao hơn so với những người còn lại. Bên cạnh đó, việc dụi mắt liên tục có thể làm tăng nguy cơ mắc và khiến cho căn bệnh phát triển nhanh hơn. 

2.4. Di truyền 

Về mặt di truyền, khoảng 10% những người mắc giác mạc hình chóp đều có cha hoặc mẹ cũng mắc phải căn bệnh này.  Căn bệnh có liên quan đến một nhóm gen quy định việc hình thành các sợi collagen vốn giữ vai trò cố định giác mạc, giúp chúng không bị phồng lên. Như vậy, khi các sợi này trở nên suy yếu do gen đột biến, chúng không thể giữ được hình dạng và giác mạc sẽ dần dần có hình nón, đồng thời có thể di truyền cho các thế hệ sau. 

Yếu tố di truyền cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh

Yếu tố di truyền cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh (Nguồn: matsaigon.com)

2.5. Môi trường sống

Hiểm họa từ môi trường sống bị ô nhiễm ở trong nhà hoặc ngoài trời như khói bụi từ các phương tiện giao thông, tia cực tím, vi trùng… cũng có thể gián tiếp gây ra căn bệnh giác mạc hình nón. 

2.6. Nội tiết tố 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em trong giai đoạn dậy thì và phụ nữ mang thai thường có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với những người còn lại. Do trong độ tuổi này hàm lượng hormon nội tiết có sự gia tăng đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc tiến triển của bệnh. 

3. Triệu chứng giác mạc hình chóp

  • Thay đổi thị lực đột ngột ở một mắt, điều này diễn ra ở mọi khoảng cách nhìn nhưng đôi khi sẽ bị nhầm lẫn với các tật về mắt như cận thị. 

  • Xuất hiện tầm nhìn đôi ngay cả khi chỉ nhìn bằng một mắt và ngay cả khi đeo kính. 

  • Triệu chứng đặc thù của bệnh giác mạc hình chóp chính là những hình ảnh “ma” và sự biến dạng của các vật thể. Tình trạng này xuất hiện đặc biệt rõ rệt ở những môi trường có độ tương phản cao, như những đốm sáng trên nền đen thay vì nhìn thấy duy nhất một điểm, bạn sẽ nhìn thấy nhiều điểm khác nhau, chồng chéo và hỗn loạn. 

  • Khi nhìn vào những nguồn sáng, sẽ thấy xuất hiện những ánh sáng rực rỡ trông giống như chúng có quầng sáng xung quanh. Thậm chí một số người còn phát hiện ra rằng, chúng chuyển động đồng thời theo nhịp đập của tim.  

  • Lái xe không thoải mái do tầm nhìn mờ, đặc biệt là vào ban đêm. 

  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng, có cảm giác mỏi mắt, nhức đầu, mắt đỏ hoặc sưng nhẹ và không thể đeo kính áp tròng. 

Những triệu chứng bệnh ở các giai đoạn khác nhau

Những triệu chứng bệnh ở các giai đoạn khác nhau (Nguồn: matquoctehoanmy.com)

4. Bệnh giác mạc hình chóp nguy hiểm như thế nào

4.1. Sẹo giác mạc gây mù vĩnh viễn

Bệnh khiến cho lớp giác mạc trở lên mỏng và dễ bị tổn thương hơn, từ đó dẫn đến những biến chứng nặng hơn như sẹo giác mạc. Trong trường hợp này, nếu không được ghép giác mạc kịp thời sẽ có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. 

4.2. Dễ nhầm lẫn với tật khúc xạ thông thường

Đa phần, những biểu hiện ở giai đoạn đầu của bệnh thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các hội chứng suy giảm thị lực khác. Đặc biệt, rất dễ nhầm lẫn với cận thị vì đa số những người mắc bệnh vẫn đang ở trong độ tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, chỉ phát hiện bệnh khi đã có những biểu hiện rõ rệt hay thậm chí bị có cảm giác đau nhức, suy giảm thị lực nghiêm trọng. 

Hiểm họa khôn lường từ căn bệnh giác mạc hình nón

Hiểm họa khôn lường từ căn bệnh giác mạc hình nón (Nguồn: sclerallens.com)

5. Các phương pháp chẩn đoán giác mạc hình chóp

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là loạn thị, chính vì thế khi tình trạng ngày một nặng, các bác sĩ sẽ tiến hành các kỹ thuật kiểm tra mắt chuyên sâu đồng thời xem xét đến các nguy cơ như mắc phải bệnh giác mạc hình chóp. Tiếp theo đó sẽ là những phương pháp chẩn đoán chi tiết bao gồm:

Kiểm tra hình dạng, địa hình của giác mạc: Bằng việc sử dụng một thiết bị đo đặc biệt, các bác sĩ có thể xác định độ dốc và địa hình của giác mạc, những dấu hiệu bất thường như giác mạc bị phình to có thể được phát hiện thông qua phương pháp này. 

Lập bản đồ giác mạc: Các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh như chụp cắt lớp mạch lạc quang học và địa hình giác mạc có thể ghi lại hình ảnh và tạo bản đồ hình dạng chi tiết của bề mặt giác mạc. Bên cạnh đó, các xét nghiệm cũng có thể đo độ dày của giác mạc của bạn từ đó phát hiện ra căn bệnh giác mạc hình chóp.

Sử dụng đèn khe và kính hiển vi sinh học: Đối với phương pháp này, các bác sĩ sẽ chiếu một chùm tia sáng thẳng đứng lên bề mặt mắt của bạn và sử dụng kính hiển vi sinh học để kiểm tra và đánh giá tình trạng giác mạc của bạn. Nếu mắc phải căn bệnh này, có thể sẽ xuất hiện những nếp nhăn trên bề mặt giác mạc hay còn gọi là vân Vogt. 

Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp kiểm tra, chẩn đoán khác nhau được các bác sĩ thực hiện như đo khúc xạ của mắt bằng các thiết bị hiện đại, phép đo sắc ký… nhằm phát hiện một cách nhanh chóng, chính xác những dấu hiệu bất thường của giác mạc. 

Các phương pháp chẩn đoán bệnh hiện đại

Các phương pháp chẩn đoán bệnh hiện đại (Nguồn: allaboutvision.com)

6. Điều trị bệnh giác mạc hình chóp

6.1. Dùng kính điều chỉnh khúc xạ

Các loại kính khúc xạ thông thường như kính gọng hoặc kính áp tròng mềm đều có thể  điều chỉnh mức độ suy giảm thị lực, nhìn mờ ở những giai đoạn đầu tiên của bệnh. Tuy nhiên, mọi người cũng cần phải kiểm tra thường xuyên vì mức độ loạn thị và bề mặt giác mạc có thể đã thay đổi. 

6.2. Dùng kính áp tròng cứng

Sử dụng kính áp tròng cứng (cứng, thấm khí) là phương pháp tiếp theo được áp dụng khi bệnh giác mạc hình chóp đã có những biểu hiện rõ ràng và chuyển sang giai đoạn khác. Thời gian đầu có thể người dùng sẽ cảm thấy không thoải mái nhưng chúng có thể lấp đầy những khoảng trống trên giác mạc (sẹo giác mạc) và đem đến một thị lực tốt hơn và cảm giác dễ chịu hơn khi đã quen. 

Sử dụng kính áp tròng cứng trong điều trị bệnh

Sử dụng kính áp tròng cứng trong điều trị bệnh (Nguồn: asunow.asu.edu)

6.3. Cross Linking

Phương pháp sử dụng kết hợp các giọt Riboflavin – loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt và tia cực tím A (UVA) để tạo ra các liên kết chéo (Cross Linking) giữa các mô của giác mạc tương tự như hoạt chất collagen. Tuy nhiên, liệu pháp này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để được áp dụng rộng rãi cho việc điều trị giác mạc hình chóp. 

6.4. Phẫu thuật đặt vòng

Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành đặt các miếng nhựa nhỏ hình lưỡi liềm vào giác mạc mục đích để làm phẳng hình nón, hỗ trợ định dạng lại giác mạc và cải thiện thị lực. Việc đặt vòng implant có thể khôi phục hình dạng giác mạc một cách đơn giản, nhanh chóng hơn mà không cần phải ghép giác mạc. Bên cạnh đó cũng giúp sử dụng kính áp tròng một cách dễ dàng, hiệu quả hơn tuy nhiên vẫn chỉ là những biện pháp tạm thời và còn tồn tại những rủi ro nhất định.  

Phương pháp đặt vòng Implant định vị giác mạc

Phương pháp đặt vòng Implant định vị giác mạc (Nguồn: clinicarecalde.com)

6.5. Ghép giác mạc

Trong trường hợp người bệnh đã xuất hiện những vết sẹo giác mạc hoặc giác mạc còn rất mỏng, phương pháp cuối cùng được thực hiện sẽ là cấy ghép giác mạc. Đối với thủ thuật này, các bác sĩ sẽ loại bỏ một phần giác mạc và thay thế bằng mô của người hiến tặng. Ghép giác mạc nhìn chung có tỷ lệ thành công tương đối cao, nhưng vẫn có thể xảy đến một vài các biến chứng như từ chối ghép, thị lực kém, loạn thị, không có khả năng đeo kính áp tròng và nhiễm trùng.

Phương pháp cấy ghép giác mạc từ hiến tặng

Phương pháp cấy ghép giác mạc từ hiến tặng (Nguồn: baomoi.com)

7. Phòng ngừa giác mạc hình chóp

Để phòng bệnh giác mạc hình chóp cần chú ý những nguyên tắc như sau:

  • Không dụi mắt nhiều, nếu cảm thấy ngứa và cộm nên sử dụng nước muối sinh lý chuyên dụng để làm sạch.

  • Khi ra tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, tia cực tím… cần đeo kính chống bụi hoặc các loại kính bảo hộ để giữ an toàn cho đôi mắt.

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu Vitamin A cho đôi mắt khỏe mạnh trong thực đơn hàng ngày. 

  • Thường xuyên kiểm tra khúc xạ cho mắt và đến ngay những cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. 

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A tốt cho đôi mắt

                                        Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A tốt cho đôi mắt (Nguồn: phongkhamnhiviet.com)
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan tới căn bệnh giác mạc hình chóp nguy hiểm mà mọi người quan tâm. Thực tế, bệnh có thể dễ dàng điều trị nếu được phát hiện sớm từ những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Để làm được điều này, cần lưu ý việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần và dành sự quan tâm đặc biệt tới sức khỏe của đôi mắt, nhất là khi bạn mắc phải một số tật như loạn thị, viễn thị hoặc có một vài dấu hiệu của việc suy giảm thị lực.

KinhNghiemAZ
KinhNghiemAZ
Bài viết: 6875