Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê trong thời gian gần đây số lượng người mắc phải căn bệnh này ngày càng tăng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị của bệnh dưới đây để xem căn bệnh này có nguy hiểm hay không nhé!
1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay còn được biết đến với tên gọi bệnh trào ngược axit ở dạ dày là căn bệnh mà dịch dạ dày bị trào ngược lên thực quản theo từng lúc hoặc là thường xuyên gây ra những triệu chứng như ợ nóng hoặc 1 số triệu chứng khác.
Bệnh trào ngược dạ dày có nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe (Nguồn:vneconomy.vn)
2. Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh
2.1. Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua
Triệu chứng trào ngược thực quản thường gặp nhất là xuất hiện ợ hơi, ợ chua và ợ nóng. Cụ thể:
-
Ợ hơi xuất hiện khi đói với tần suất khá thường xuyên
-
Ợ nóng là lúc mà bạn thấy cảm giác nóng rát ở dạ dày hoặc là vùng ngực dưới lan lên phía cổ.
-
Ợ chua xuất hiện thường xuyên, nhất là mỗi khi đánh răng buổi sáng. Thường thì ợ chua và ợ nóng sẽ đi kèm với nhau.
Những triệu chứng này sẽ xuất hiện nhiều, tần suất tăng sau khi ăn, uống nước, đầy bụng hoặc là khi cúi gập người, khi nằm nghỉ, hoặc khi ngủ vào ban đêm.
2.2. Buồn nôn, nôn
Triệu chứng buồn nôn thường xuất hiện mỗi khi bạn ăn quá no hoặc là bạn nằm ngay sau khi ăn. Người bị trào ngược dạ dày sẽ dễ có cảm giác buồn nôn, nôn hoặc là cảm thấy thức ăn bị mắc nghẹn. Khi đi tàu xe hoặc là mang thai thì những người bị trào ngược cũng sẽ dễ bị nôn hơn. Người bệnh nên tìm hiểu 6 vị trí bấm huyệt chữa buồn nôn hết tức thì để cảm thấy dễ chịu hơn.
2.3. Đau, tức ngực
Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản nữa mà người bệnh hay gặp đó là luôn có cảm giác có cái gì đang đè ép, thắt lồng ngực, đau xuyên ra lưng và ra cánh tay. Triệu chứng đau này cũng khá dễ nhầm lẫn với bệnh tim mạch. Nguyên nhân khiến cho người bệnh cảm thấy đau ngực là do axit khi bị trào ngược sẽ kích thích tới các đầu mút của sợi dây thần kinh có trên bề mặt của niêm mạc thực quản, từ đó gây ra những cảm giác đau.
Đau tức ngực khi bị trào ngược dạ dày (Nguồn: laodongbinhduong.org.vn)
2.4. Cảm thấy khó nuốt
Cảm giác khó nuốt sẽ xuất hiện khi bệnh tình diễn biến nặng, axit trào ngược với tần suất lớn khiến cho niêm mạc thực quản bị phù nề, sưng tấy.
2.5. Khàn giọng và ho
Axit trào ngược sẽ tiếp xúc với các dây thanh quản khiến cho dây này bị tổn thương, sưng tấy, từ đó làm cho người bệnh thường xuyên bị khàn giọng, lâu ngày chuyển biến thành ho.
2.6. Miệng tiết nhiều nước bọt
Triệu chứng này là phản xạ tự nhiên của cơ thể do axit khi bị trào ngược lên miệng sẽ kích thích các tuyến nước bọt tiết ra nhiều để trung hòa lượng axit chua này.
2.7. Cảm thấy bị đắng miệng
Dịch dạ dày bị trào ngược sẽ kèm theo dịch mật nên sẽ khiến cho người bệnh bị đắng miệng. Việc tiết ra các dịch mật này là biểu hiện rối loạn của thần kinh dạ dày, van môn vị bị mở ra quá mức nên các dịch này mới tràn ra nhiều.
Các triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày rất khó chịu (Nguồn: benhlydaday.com)
3. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày
3.1. Suy cơ thắt dưới thực quản
Suy cơ thắt dưới thực quản là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Cơ thắt này là cơ thấp nhất thực quản được nối với dạ dày. Ở trạng thái bình thường, cơ này sẽ chỉ được giãn mở khi nuốt và co thắt đóng kín lại ngay sau đó để ngăn dịch dạ dày không bị trào ngược.
Tuy nhiên nếu như cơ thắt này bị suy yếu đi sẽ khiến cho việc giãn mở và co thắt không được thực hiện đúng như bình thường khiến cho các dịch vị bị trào ngược, đẩy lên thực quản.
3.2. Thoát vị hoành
Cơ hoành chính là 1 cơ dẹt có hình vòm giữ chức năng phân chia khoang ngực với khoang bụng. Cơ hoành co sẽ tăng cường sức mạnh giúp cho cơ thắt ở dưới thực quản làm tốt nhiệm vụ ngăn dịch vị trào ngược. Thoát vị hoành sẽ khiến cho 1 phần của dạ dày sẽ chi lên cơ hoành, khiến cho cơ thắt ở dưới thực quản không còn nằm ở vị trí cùng với cơ hoành nên dễ xảy ra hiện tượng trào ngược.
Hình ảnh mô tả bệnh trào ngược dạ dày (Nguồn: googleusercontent.com)
3.3. Ứ đọng thức ăn tại dạ dày
Thức ăn ở dạ dày bị ứ đọng, các chất ở trong dạ dày lưu thông chậm, từ đó làm tăng áp lực cho dạ dày dẫn tới triệu chứng trào ngược.
3.4. Áp lực ổ bụng tăng đột ngột
Áp lực của ổ bụng bị tăng đột ngột do ho, hắt hơi cũng là một nguyên nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.
3.5. Stress
Khi bị stress thì lượng cortisol cũng tăng cao khiến cho axit dạ dày tăng, đồng thời làm tăng cả trương lực co bóp dạ dày cũng chính là tác động cho dịch dạ dày bị đẩy lên. Bên cạnh đó, stress cũng là nguyên nhân làm cho nhu động thực quản bị rối loạn, từ đó làm cho cơ thắt ở dưới thực quản giãn mở thường xuyên, trong thời gian dài khiến cho dịch vị bị trào ngược. Người bệnh nên dùng ngay 15 thức uống giảm stress căng thẳng hiệu quả. Bạn có thể đăng ký tập gym, học yoga thư giãn nâng cao sức khỏe hay đi bộ, đi bơi, ngồi thiền… cũng là cách giảm stress hiệu quả.
3.6. Thói quen ăn uống không lành mạnh
Thói quen ăn uống thiếu khoa học, không lành mạnh như ăn quá no, ăn vào ban đêm, ăn nhiều hoa quả có tính axit khi đói, ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên rán,… sẽ gây ra áp lực lên cơ thắt ở dưới thực quản, làm cho cơ này bị yếu, rối loạn, thường xuyên đóng mở thất thường. Vì thế để ngăn ngừa bệnh trào ngược dạ dày, bạn nên bổ sung nhiều loại rau – củ – quả tươi ngon, giàu vitamin trong khẩu phần ăn của mình. Bên cạnh đó bạn cũng cần hạn chế những thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm có nhiều gia vị cay nóng để giảm tình trạng trào ngược dạ dày, đồng thời giúp bảo vệ dạ dày, giảm thiểu những tổn thương mà dạ dày có thể gặp phải.
3.7. Có các yếu tố bẩm sinh trong dạ dày
Những yếu tố bẩm sinh ở trong dạ dày như cơ thắt dưới thực quản yếu, người bị sa dạ dày, người bị thoát vị cơ hoành, chấn thương,…. cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
3.8. Béo phì
Những người bị béo phì cũng là đối tượng dễ bị trào ngược dạ dày do cơ thắt và dạ dày ở dưới thực quản bị gây áp lực khiến cho trương lực yếu hơn, dịch dạ dày từ đó cũng dễ bị trào ngược hơn. Để điều trị bệnh trào ngược thì lời khuyên được các bác sĩ đưa ra là bạn nên duy trì cân nặng hợp lý, nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì thì nên giảm cân, giảm mỡ về chỉ số tốt cho sức khỏe.
Ăn nhiều đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh khiến là nguyên nhân bị trào ngược dạ dày (Nguồn: dongybonphuong.com)
4. Bệnh trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Ngày nay số lượng người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản đang ngày một tăng. Khi nhắc tới bệnh này, nhiều người cho rằng đây không phải là căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên với diễn biến ngày một phức tạp, trào ngược dạ dày có thể mang đến nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm, là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày, thậm chí là ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh nếu như để lâu và không được chữa trị đúng, kịp thời. Dưới đây là những biến chứng có thể mắc phải khi bị trào ngược dạ dày.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh trào ngược (Nguồn: socialforestry)
4.1. Viêm, loét dạ dày
Dịch vị dạ dày khi bị trào ngược lên thực quản trong thời gian dài, thường xuyên sẽ làm tổn thương các niêm mạc thực quản và gây viêm, từ đó gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sinh hoạt của người bệnh. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh nên ăn thêm các loại thực phẩm giúp trung hòa axit, dễ tiêu hóa và hạn chế tình trạng bệnh.
4.2. Hẹp thực quản
Khi thực quản bị viêm sẽ dẫn tới xơ hóa, làm cho thực quản bị co rút, lâu ngày làm hẹp thực quản.
4.3. Barrett thực quản
Barrett thực quản (hay còn gọi là tiền ung thư) là tình trạng mà những tế bào lót nằm trong vùng thấp thực quản có màu sắc bị đổi do quá trình tiếp xúc nhiều và thường xuyên với axit dạ dày. Không phải ai bị trào ngược dạ dày cũng sẽ gặp phải biến chứng này. Thường chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ khi bị trào ngược sẽ phát triển thành biến chứng Barrett thực quản.
4.4. Ung thư thực quản
Biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản chính là ung thư thực quản. Khi bị trào ngược, người bệnh cần theo dõi kiểm tra định kỳ thường xuyên để tránh bị biến chứng này. Nếu cơ thể gặp những triệu chứng như nuốt nghẹn, hay bị trớ, đau dai dẳng, đau ngực,… khiến bạn nghi ngờ bị ung thư thì tốt nhất bạn nên đăng ký thăm khám sức khỏe tổng quát và thực hiện tầm soát ung thư thực quản không gây mê để biết được chính xác xem mình có bị mắc ung thư hay không. Bên cạnh đó việc chủ động tìm hiểu những kiến thức về bệnh ung thư thực quản có di truyền không, có chữa được không và khám ở đâu rất cần thiết.
4.5. Axit trào ngược gây viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi
Axit dạ dày khi trào ngược cũng có khả năng tràn lên đường hô hấp và gây ra những triệu chứng như viêm họng, viêm xoang hay viêm phế quản, viêm phổi. Một số biến chứng khác có thể gặp như bị khàn tiếng, viêm tai, viêm tuyến giáp,…
5. Trào ngược dạ dày thực quản có chữa được không?
Tuy có những biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh trào ngược dạ dày thực quản vẫn có thể chữa được nếu như người bệnh có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Để điều trị bệnh trào ngược, người bệnh cần phải thay đổi lối sống, tập thói quen sống khoa học như ăn ngủ điều độ, đúng giờ, không ăn quá khuya, không nằm ngay khi ăn no, không uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, giảm cân nếu bị béo phì. Chế độ ăn hàng ngày nên bổ sung nhiều thực phẩm sạch, tươi ngon an toàn vệ sinh, tránh xa các chất kích thích (bia, rượu), hạn chế đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh. Bạn nên tìm hiểu thêm các loại trái cây tốt cho người ung thư dạ dày, hệ tiêu hóa để ngăn ngừa cũng như giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh.
Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có cho mình những hiểu biết nhất định về bệnh để chủ động hơn trong phòng tránh và điều trị. Ngoài ra, nếu bạn có băn khoăn về bệnh, hãy đến thăm khám tại các bệnh viện uy tín như bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec để có sự tư vấn, chăm sóc từ bác sĩ chuyên môn bạn nhé.