Bệnh viêm tai giữa là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị


Viêm tai giữa là căn bệnh không quá xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà bệnh thường bị bỏ qua và trở nên nặng hơn gây khó khăn cho việc điều trị. Vậy đây là bệnh như thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao? Hãy cùng Kinh Nghiệm AZ tìm hiểu rõ hơn và có cách phòng chữa bệnh hiệu quả hơn.

1. Bệnh viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp, đặc biệt khi giao mùa. Bệnh xảy ra ở vùng tai giữa, vùng được nối với khoang mũi qua một lỗ thông nhỏ. Bệnh biểu hiện với hai dạng chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm có tiết dịch. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là ở trẻ em. Bệnh gây nên nhiều bất tiện trong cuộc sống, ảnh hưởng đến thính lực, đặc biệt có thể tiến triển thành nhiều loại bệnh nghiêm trọng hơn nếu không được chữa trị kịp thời. 

Bệnh viêm tai giữa xảy ra ở mọi đối tượng

Bệnh viêm tai giữa xảy ra ở mọi đối tượng (Nguồn: suckhoevabe.vn)

2. Nguyên nhân viêm tai giữa 

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh, trong đó tập trung vào một số lý do sau đây:

2.1. Nhiễm trùng từ mũi họng lây sang tai

Do được nối thông với khoang mũi nên bệnh dễ dàng hình thành do sự lây lan của các loại vị khuẩn từ mũi, họng đi lên. Nguyên nhân này gặp phổ biến ở trẻ em do cấu tạo của các bộ phận của các em nhỏ hơn người lớn, vậy nên lỗ thông nhỏ giữa tai giữa và khoang mũi dễ bị nghẽn lại. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển.

2.2. Nhiễm trùng từ môi trường bên ngoài

Một số yếu tố từ môi trường bên ngoài như khí hậu ô nhiễm, áp lực lên tại như lặn quá sâu, tiếng bom nổ,… gây tổn thương tai và là nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra một số tác động cơ học như chọc, ngoáy tai,.. cũng là nguyên nhân gây bệnh. 

2.3. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị viêm tai giữa

Đối tượng có nguy cơ gặp tình trạng bệnh này cao nhất đó là trẻ em. Do cấu tạo tai còn non yếu, đồng thời cấu tạo giữa các bộ phận trong tai nhỏ hơn người lớn vậy nên trẻ em dễ bị mắc bệnh. Ngoài ra, những người làm việc trong môi trường độc hại, có nhiều tiếng ồn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường. Người tiếp xúc với những bệnh nhân có bệnh lý về đường hô hấp,… 

Trẻ em là đối tượng phổ biến có nguy cơ bị bệnh

Trẻ em là đối tượng phổ biến có nguy cơ bị bệnh (Nguồn: squarespace.com)

3. Triệu chứng viêm tai giữa

Việc nhận biết các triệu chứng của bệnh rất quan trọng để hỗ trợ quá trình điều trị trở nên hiệu quả hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu cho của bệnh viêm tai vùng giữa mà người bệnh nên nắm rõ.

3.1. Triệu chứng lâm sàng ở tai

Triệu chứng đầu tiên của bệnh có thể là tình trạng đau tai, tiếp đó là chảy nước ở tai và suy giảm thính lực, sưng tai sau… Ở trẻ em, bệnh thường được biểu hiện với các triệu chứng như trẻ thường hay cọ tai vào tay hoặc người bạn, trẻ thường khóc khi được đặt nằm xuống, dịch hoặc mủ chảy ra từ tai, trẻ cũng thường xuyên nghiêng đầu sang một bên.

3.2. Dấu hiệu toàn thân khi viêm tai giữa

Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh cũng sẽ gây nên một số triệu chứng trên cơ thể. Ở người lớn là tình trạng sốt nhẹ, người khó chịu, trằn trọc, khó ngủ. Còn ở trẻ em sẽ xuất hiện triệu chứng sốt trên 39 độ C kèm theo cảm giác khó chịu, bứt rứt, quấy khóc, khó ngủ. Trẻ cũng có biểu hiện không phản ứng với âm thanh.

 

4. Viêm tai giữa có nguy hiểm không?

Viêm tai giữa có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu bệnh không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng và bệnh nguy hiểm hơn. Điển hình là bệnh viêm tai xương chũm nguy hiểm với các biến chứng như thủng màng nhĩ, giảm thính lực, viêm xương chũm, gây liệt cơ mặt. Nguy hiểm hơn, bệnh còn để lại những biến chứng trong não như viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng,… những bệnh dễ gây nên tình trạng tử vong. Ở trẻ em còn gây nên tình trạng chậm biết nói, chậm phát triển trí tuệ,… Ngoài ra, nếu bệnh không được điều trị đúng phương pháp sẽ kéo dài và dễ tái đi tái lại. 

5. Điều trị viêm tai giữa

Có rất nhiều cách điều trị bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ nhiễm trùng để các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. 

5.1. Uống thuốc kháng sinh

Đây là phương pháp điều trị viêm tai vùng giữa phổ biến và được lựa chọn hàng đầu. Dựa trên những kết quả xét nghiệm vùng tai đặc biệt là kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc kháng sinh phù hợp để điều trị dứt điểm tình trạng bệnh. 

5.2. Vệ sinh tai đúng cách

Bên cạnh việc điều trị bằng kháng sinh thì việc vệ sinh tai đúng cách cũng có ý nghĩa rất lớn trong điều trị bệnh. Sử dụng loại thuốc nhỏ tai chuyên dụng. Ngoài ra thực hiện vệ sinh tai với nước muối pha loãng hoặc dung dịch oxy già, sau đó lau khô tai. Không ngoáy tay hay va chạm mạnh và vùng tai.

5.3. Đặt ống thông nhĩ Diablo

Nếu phương pháp điều trị bằng kháng sinh không mang lại hiệu quả hoặc các chất dịch mủ làm tắc ống nhĩ, ảnh hưởng đến khả năng nghe thì sẽ cần đến phương pháp đặt ống thông nhĩ Diablo. Đây là một thủ thuật nhỏ giúp loại bỏ dịch mủ, khôi phục lại hệ thống thông khí cũng như thoát dịch của tai, nhờ vậy giảm nguy cơ nhiễm trùng, cải thiện khả năng nghe nói. Phương pháp này cũng hạn chế tình trạng bệnh tái phát nhiều lần. 

5.4. Phẫu thuật

Đối với trường hợp bệnh viêm tai giữa nặng hơn hoặc bệnh gây thủng màng nhĩ thì việc chữa trị sẽ phức tạp hơn. Lúc này, phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng trong điều trị bệnh để khoét hòm nhĩ hoặc xương chũm.

5.5. Khi nào cần gặp bác sĩ

Đối với trẻ em, nếu cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện như trẻ bị đau tai liên tục hoặc tăng dần, trẻ sốt cao liên tục, khóc nhiều, bỏ bú hay các triệu chứng bệnh không tốt lên sau 2 ngày điều trị,… thì nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Hơn nữa, việc thăm khám sẽ giúp xác định và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, giúp điều trị bệnh dứt điểm, tránh tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Còn ở người lớn, nếu thấy các cơn đau không có dấu hiệu khá hơn, tai bị chảy dịch, khả năng nghe kém hoặc sốt lâu không khỏi,… thì nên tới gặp bác sĩ để biết rõ tình trạng bệnh hơn. Người bệnh có thể tham khảo một số địa chỉ khám tai mũi họng chất lượng tại các thành phố lớn để thuận lợi và yên tâm hơn khi chữa bệnh. 

Bệnh gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời

Bệnh gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời (Nguồn: bookingcare.vn)

6. Viêm tai giữa bao lâu thì khỏi?

Việc điều trị bệnh sẽ phụ thuộc nhiều vào tình trạng và mức độ nhiễm trùng. Đối với điều trị bằng kháng sinh, các triệu chứng nghiêm trọng sẽ kéo dài ít hơn 1 đến 2 ngày sau đó tự khỏi. Các chất lỏng có thể tồn tại trong tai giữa từ vài tuần đến vài tháng. Quá trình này phụ thuộc nhiều vào việc vệ sinh cũng như kiêng kỵ của người bệnh cùng việc tuân thủ những chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị. 

7. Viêm tai giữa kiêng gì để tránh biến chứng

7.1. Đối với người lớn

Những biến chứng bệnh viêm tai giữa sẽ xảy ra nếu người bệnh không thực hiện kiêng cữ cẩn thận. Ở người lớn, cần phải thực hiện vệ sinh tai sạch sẽ. Trong thời gian bị bệnh không nên đi tắm hồ bơi, không để nước chảy vào tai, luôn để tai được khô ráo. Hạn chế sử dụng thuốc lá và các đồ uống nhiều chất kích thích như rượu, bia,… 

Nên kiêng có thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, hoặc những thực phẩm làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể như bánh ngọt, bánh mì,… Không nhai kẹo cao su hay các thực phẩm đòi hỏi phải nhai nhiều. 

Đồng thời, nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức hoặc tiếp xúc, giao tiếp ở nơi đông người hoặc những người có bệnh lý về hô hấp. Những người thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn nên sử dụng bịt tai chống ồn chuyên dụng giúp bảo vệ hiệu quả.

7.2. Đối với trẻ em

Để tránh gặp phải những biến chứng, ở trẻ em ngoài việc tuân thủ đúng theo phương pháp điều trị, cha mẹ cần lưu ý trong chăm sóc vệ sinh để hỗ trợ việc điều trị hiệu quả hơn. Nếu tai trẻ bị chảy mủ, nên để dịch thoát ra ngoài một cách tự nhiên, lau sạch tai trẻ một cách nhẹ nhàng, không lau quá sâu và không để nước vào tai. 

Thực hiện rửa mũi cho trẻ 2 – 3 lần mỗi ngày để loại bỏ vi khuẩn. Nếu trẻ bị sốt, cho trẻ mặc đồ thoáng mát, chườm ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra, cha mẹ nên kiêng không cho trẻ ăn các loại thực phẩm khó tiêu, các đồ ăn vặt nghèo dinh dưỡng, cứng, nhiều dầu mỡ, các loại nước ngọt có ga,… Hoặc các loại thực phẩm gây kích thích tạo mủ trong tai như đồ nếp, sữa,…

7.3. Viêm tai giữa nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị bệnh diễn ra hiệu quả hơn. Chẳng hạn thay vì dùng mỡ lợn, hãy chọn mua dầu thực vật bổ sung vitamin D, E tốt cho cơ thể và giúp bệnh mau khỏi hơn. Hay bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A như bí đỏ, cà rốt,… để tăng cường thính lực cũng như bảo vệ lớp niêm mạc phía trong tai. 

Các thực phẩm tươi giàu dưỡng chất, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng: cá biển, rong biển,.. là nguồn cung cấp Iốt rất tốt cho cơ thể, làm tăng khả năng hồi phục cao hơn. Và chắc chắn trong chế độ ăn hàng ngày sẽ không thể thiếu các loại rau củ quả xanh, tươi giàu vitamin, khoáng chất, giúp bổ sung chất xơ và hạn chế tình trạng ù tai. Đối với trẻ em, mẹ có thể thay thế sữa bằng việc làm sinh tố hay các loại nước ép trái cây để bổ sung dinh dưỡng và tốt cho tình trạng bệnh của trẻ. 

Ăn nhiều rau xanh và cá giúp bảo vệ thính lực

Ăn nhiều rau xanh và cá giúp bảo vệ thính lực (Nguồn: costsectorcatering.co.uk)

Viêm tai giữa là bệnh không quá nguy hiểm và khó chữa nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ điều này. Vậy nên những thông tin trên đây sẽ phần nào giúp mọi người có thêm thông tin về căn bệnh này và chủ động trong điều trị. Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe tốt hơn, mọi người cũng nên chủ động đăng ký tham gia dịch vụ khám chữa tai mũi họng hoặc thực hiện khám chuyên sâu toàn diện để sớm nhận biết tình trạng sức khỏe tốt nhất.

KinhNghiemAZ
KinhNghiemAZ
Bài viết: 6875