Nguyên nhân ảnh hưởng sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ môi trường sống


Khoa học nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em cho thấy, nền tảng sức khỏe tâm thần lành mạnh được hình thành từ rất sớm.

 

Những trải nghiệm ban đầu bao gồm mối quan hệ của trẻ với cha mẹ, người chăm sóc, người thân, giáo viên và bạn bè đều ảnh hưởng đến việc định hình cấu trúc phát triển não bộ của trẻ. Sự gián đoạn trong quá trình phát triển này có thể làm suy giảm khả năng học tập và cả những vấn đề mà trẻ gặp phải sau này. Các vấn đề như không thể hoàn thành chương trình trung học phổ thông, tù tội, vô gia cư, có thể được giảm thiểu một cách đáng kể nếu việc xây dựng môi trường nuôi dưỡng và các mối quan hệ lành mạnh xung quanh trẻ được chú ý ngay từ thuở nhỏ.

Sức khỏe tâm thần lành mạnh là yếu tố nền tảng quan trọng để phát triển tâm sinh lý ổn định trên mọi khía cạnh từ hình thành tình bạn, khả năng đối phó với nghịch cảnh đến thành công trong học tập, công việc và đời sống cộng đồng. 

Sức khỏe tâm thần của trẻ được xây dựng và hình thành từ rất sớm

Sức khỏe tâm thần của trẻ được xây dựng và hình thành từ rất sớm (Nguồn ảnh: Internet)

Một chiếc bàn cập kênh không hoạt động tốt có thể bởi nhiều yếu tố như: sàn nhà không bằng phẳng, hai chân bàn bị kênh, hoặc mặt bàn nhấp nhô. Con người cũng tương tự, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố liên quan lẫn nhau. Theo thời gian, các vấn đề trở nên nặng nề hơn và ngày càng khó sửa chữa. Bởi vậy, để kiểm soát có hiệu quả các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ, cần xác định sớm nguyên nhân và quan tâm đúng mực đến nguồn gốc gây ra những vấn đề đó, như môi trường chăm sóc trẻ, do bản thân trẻ (lý do phổ biến) hoặc cả hai. Hiểu rõ nguyên nhân giúp lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả hơn, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ căn bệnh.

Suy giảm sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ thường là hệ quả của khuynh hướng di truyền và những bất hạnh mà trẻ gặp phải trong cuộc sống. Gen không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn. Một số bộ gen chứa những thông tin để cơ thể hoạt động, nhưng môi trường lại là điều kiện tiên quyết cho phép hoặc ngăn chặn sự xuất hiện các vấn đề tâm thần, thậm chí có thể tăng tốc hoặc làm chậm lại các hoạt động di truyền. Do vậy, sự tương tác giữa yếu tố di truyền và những trải nghiệm gây nên tình trạng căng thẳng kéo dài ở trẻ nhỏ có thể tạo nên nền tảng sức khỏe tâm thần không ổn định và tồn tại cho đến khi trẻ bước vào độ tuổi trưởng thành.

Tình trạng căng thẳng gây nguy hại là kết quả của chuỗi các phản ứng sinh học mạnh mẽ, thường xuyên, kéo dài. Những bất hạnh trẻ gặp phải có thể làm hỏng cấu trúc phát triển của não bộ và làm tăng nguy cơ  xảy ra các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ngay lúc đó hoặc trong vài năm sau. Do những tác động lâu dài đối với sự phát triển não bộ và các cơ quan khác, tình trạng căng thẳng gây nguy hại có thể làm trẻ sợ đi học, thành tích học tập suy giảm, sức khỏe thể chất và tinh thần suy yếu và ảnh hưởng tới khi trưởng thành. Môi trường sống của trẻ gắn với những căng thẳng trong gia đình như tình trạng nghèo đói kéo dài, nguy hiểm rình rập trong những khu phố kế cận, hay điều kiện chăm sóc nghèo nàn, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Những đứa trẻ bị lạm dụng liên tục, bị bỏ rơi, phải chịu đựng bạo lực gia đình, lạm dụng thuốc, hay có bố mẹ mắc phải các chứng bệnh tâm thần thì càng dễ bị tổn thương hơn.

Bất hạnh trẻ gặp phải có thể làm hỏng cấu trúc phát triển của não bộ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần

Bất hạnh trẻ gặp phải có thể làm hỏng cấu trúc phát triển của não bộ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần (Nguồn ảnh: Internet)

Trong một số trường hợp, những vấn đề này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng tới quá trình học tập, kỹ năng xã hội và sức khỏe thể chất suốt đời. Các đặc điểm của rối loạn tăng động giảm chú ý, hội chứng rối loạn lo âu,  rối loạn hành vi, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và khiếm khuyết phát triển thần kinh, như tự kỷ, ở trẻ thường biểu hiện rõ ở độ tuổi rất sớm. Điều đó cho thấy cách mà trẻ nhỏ phản ứng và xử lý những cảm xúc, tổn thương rất khác so với trẻ lớn hơn và người trưởng thành. Do đó, quá trình chẩn đoán bệnh ở trẻ nhỏ thường khó khăn hơn nhiều so với người trưởng thành.

Một số trẻ có khả năng vượt qua được những bất hạnh từ thuở nhỏ, bị ngược đãi trong thời gian dài, bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng thực tế vẫn tồn tại những giới hạn nhất định trong khả năng phục hồi tâm lý cho nhóm trẻ này. Ngay cả khi trẻ đã thoát ra khỏi hoàn cảnh đau khổ và được đưa vào môi trường chăm sóc đặc biệt, sự phục hồi trong quá trình phát triển ở trẻ lại đi kèm với những vấn đề phát sinh trong việc tự điều chỉnh hành vi, khả năng thích ứng cảm xúc, xây dựng quan hệ với những người khác và khả năng tự tìm hiểu. Khi vượt qua được những khó khăn ấy, trẻ sẽ nhận được nhiều lợi ích từ sự hỗ trợ của người lớn. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa và can thiệp kịp thời với các trường hợp mà trẻ có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Môi trường lành mạnh sẽ giúp trẻ giảm thiểu khả năng phát triển bệnh tâm lý

Môi trường lành mạnh sẽ giúp trẻ giảm thiểu khả năng phát triển bệnh tâm lý (Nguồn ảnh: Internet) 

Điều thiết yếu là cần điều trị các chứng bệnh tâm thần ở trẻ nhỏ gắn với hoàn cảnh gia đình, nơi sinh sống và cộng đồng xung quanh trẻ. Sự phát triển lành mạnh về mặt cảm xúc ở trẻ nhỏ đi liền với nghĩa vụ của người chăm sóc và gia đình nuôi dưỡng trẻ. Bị lạm dụng, bị đe dọa, bị bỏ bê  hoặc tổn thương về mặt tinh thần,… là những yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp tới các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ. Ngược lại, khi có được mối quan hệ tương hỗ kịp thời và đáng tin cậy, trẻ có thể tự thoát khỏi những tác động bất lợi của các yếu tố gây ra tình trạng căng thẳng. Do vậy, để giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ cần phải giải quyết những căng thẳng tồn tại trong gia đình nuôi dưỡng trẻ.

Gợi ý phương pháp

Những nhu cầu về cảm xúc và hành vi của trẻ sơ sinh, trẻ tập đi và trẻ mẫu giáo – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, được đáp ứng tốt nhất thông qua các mối quan hệ kết hợp, trong đó tập trung vào môi trường có đầy đủ các mối quan hệ, từ cha mẹ, các thành viên gia đình, khách đến thăm nhà, cho đến những người cung cấp dịch vụ chăm sóc và giáo dục từ nhỏ, cùng các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho người lớn, mà đối tượng ở đây chính là cha mẹ của trẻ, sẽ có tác động lớn hơn nếu các ông bố, bà mẹ thường xuyên chú ý đến nhu cầu của con mình.

Các bác sĩ và người  trông trẻ và người cung cấp dịch vụ chăm sóc giáo dục khác (liên quan đến trẻ) cần được đào tạo chuyên môn và trang bị những kiến thức để có thể hiểu, quản lý các vấn đề về cảm xúc và hành vi của trẻ và nhanh chóng liên hệ với các chuyên gia về sức khỏe tâm thần khi cần thiết. Sự phối hợp tốt giữa các nguồn lực đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cha mẹ và con cái sẽ tạo ra một nền tảng ổn định, hiệu quả trong việc đảm bảo tiếp cận các chương trình điều trị, phòng ngừa.

Bài viết được dịch theo bản tổng hợp tóm tắt các phát hiện cơ bản trong những ấn phẩm và bài thuyết trình khoa học của Trung tâm phát triển trẻ em, Đại học Harvard.

KinhNghiemAZ
KinhNghiemAZ
Bài viết: 6875