Những căn bệnh về đường tiêu hóa nói chung và bệnh viêm ruột thừa cấp nói riêng rất phức tạp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về bệnh viêm ruột thừa cấp nhé!
1. Viêm ruột thừa cấp là gì?
Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ 5-6cm nằm ở đầu ruột già. Viêm ruột thừa là bệnh có tỷ lệ mắc phải rất cao và phải phẫu thuật. Viêm ruột thừa cấp tính là một loại bệnh không còn hiếm gặp, nếu phát hiện và điều trị khi bệnh mới phát sinh sẽ an toàn, còn nếu để nghiêm trọng, phần ruột thừa vỡ ra làm tràn phân vào ổ bụng gây viêm phúc mạc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
2. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa cấp
2.1. Tắc nghẽn lòng ruột thừa
Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu cần biết gây ra viêm ruột thừa cấp. Đúng như cái tên của nó, ruột thừa bị viêm do lòng ruột thừa bị vướng bởi các dị vật như thức ăn không tiêu hóa được, sỏi, phân, các khối u,… Chúng tắc trong lòng ruột, khiến dịch ruột thừa không hoạt động được, bị nghẽn lại, vi khuẩn xâm nhập gây ra viêm nhiễm.
2.2. Vết loét viêm mạc ruột thừa
Nhiều yếu tố khác nhau hình thành những vết loét ở ruột thừa, lâu ngày từ các vết loét, vết thương đó trở nên sưng, phù, viêm, đồng thời làm tắc mạch máu. Các mạch máu vốn giữ chức năng nuôi ruột thừa giờ bị cản trở, ruột thừa sẽ hoại tử và gây ra viêm ruột thừa cấp.
Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột thừa cấp là tắc nghẽn dị vật như xương cá, … trong ruột (Nguồn: plo.vn)
3. Triệu chứng viêm ruột thừa cấp
3.1. Đau bụng kiểu ruột thừa
Đây là triệu chứng đầu tiên xuất hiện, dễ nhận ra nhưng cũng là dấu hiệu thường bị nhầm lẫn, dễ bỏ qua do chủ quan. Ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về triệu chứng này. Người bệnh bắt đầu với cơn đau quặn ở vùng quanh rốn, đôi khi lên cao trên rốn, gây tức, nặng, áp lực từ cơn đau. Khoảng 2-12h tiếp tùy vào từng người, cơn đau lập tức di chuyển xuống vùng dưới bụng phải, phần hố chậu, trên bẹn và duy trì ở đó, cơn đau thường âm ỉ, ít khi dữ dội hay đau thành cơn. Đau liên tục vài giờ và có thể đau mạnh hơn khi hắt hơi, ho, bị đụng vào,…
3.2. Sốt
Thông thường người mắc bệnh sẽ có dấu hiệu sốt nhẹ ở mức 37.5-38 độ C, cũng có trường hợp sốt cao kèm với lạnh run.
3.3. Rối loạn tiêu hóa
Người bệnh bắt đầu có triệu chứng chán ăn, nôn ói thường xuyên kèm những cơn đau bụng hành hạ, bụng chướng, ấn vào thấy cứng và đau, đau khi tiểu tiện hay tiểu tiện ra máu, tiêu chảy, …
Cách tốt nhất để điều trị bệnh là cắt bỏ ruột thừa (Nguồn: kenh14cdn.com)
4. Viêm ruột thừa cấp có nguy hiểm không?
Ruột thừa – một cơ quan khá nhỏ và không rõ chức năng của nó nên thường bị mọi người bỏ qua và chủ quan về các tình trạng liên quan đến ruột thừa. Tuy nhiên, nếu hoạt động của cơ quan này bị rối loạn, nó có thể hình thành bệnh lý và trở nên khó khăn trong việc điều trị. Bệnh không ổn định đa số phải làm phẫu thuật. Những dấu hiệu ban đầu của bệnh tình nếu không phát hiện và điều trị kịp thời rất nguy hiểm. Một vài dấu hiệu và xét nghiệm lẻ tẻ khá khó để phát hiện bệnh. Những kết quả khám lâm sàng có thể cho kết quả sai lệch 30%, kết hợp thêm siêu âm thì tỉ lệ còn 15% và nếu chụp CT, sai sót chỉ còn 7%. Nói chung, đây là bệnh không còn hiếm do chế độ ăn uống ngày càng không lành mạnh của con người, nếu phát hiện kịp thời và tích cực chữa trị, kết hợp 1 chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể đẩy lùi bệnh, trở về trạng thái ổn định. Nếu chủ quan hoặc để bệnh nặng, phức tạp hơn có thể dẫn đến vỡ ruột thừa, mủ, dịch tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh cũng như để lại những biến chứng phức tạp.
Bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp nếu để vỡ ra có thể nguy hiểm đến tính mạng (Nguồn: phununews.vn)
5. Biến chứng viêm ruột thừa cấp
Viêm ruột thừa do tắc nghẽn hầu hết dẫn đến vỡ ruột thừa, tràn ổ dịch gây viêm phúc mạc, đây là biến chứng phức tạp và cực kỳ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Viêm ruột thừa xuất tiết thì lạc quan hơn, tùy vào thể trạng người bệnh mà sẽ dẫn đến áp xe ruột thừa hoặc đám quánh bao quanh phần ruột thừa, ít trường hợp cũng có thể vỡ gây viêm phúc mạc. Nếu được giải quyết kịp thời, các biến chứng có thể tiêu giảm và không gây nguy hiểm nặng nề cho bệnh nhân.
5.1. Viêm phúc mạc toàn bộ
Đây là biến chứng đã rất nặng và cực kỳ nguy hiểm. Lúc này, viêm ruột thừa đã vỡ và nhanh chóng tràn vào ổ bụng. Bệnh nhân bị viêm nhiễm và nhiễm trùng nặng, sốt và suy sụp cơ thể, người mệt lả, bụng đau và cứng, bí trung tiện, đại tiện, nôn liên tục,… các phản ứng ở thành bụng dần lan ra khắp ổ bụng.
5.2. Áp xe ruột thừa
Khi ruột thừa bị vỡ do biến chứng viêm ruột thừa cấp, các mủ dịch tràn ra. Lúc này, các bộ phận được tổ chức lại ngăn dịch tràn ra ngoài. Cụ thể là mạc nối, các quai ruột hình thành bao lại xung quanh, bệnh nhân vẫn có những cơn sốt cao và đau tăng lên ở vùng hố chậu phải. Xuất hiện khối u lồi lên, nhẵn, rõ ràng và có ranh giới rõ rệt, cần phẫu thuật dẫn lưu mủ.
5.3. Đám quánh ruột thừa
Đây là biến chứng nhẹ nhất và có thể phát triển tích cực. Đối những người có sức khỏe tốt, đề kháng cao, các tạng cận, quai ruột, mạc nối bao bọc quanh ruột thừa. Các cơn đau và sốt có thể giảm, bạch cầu dần ổn định, xuất hiện một khối rắn như mo cau ở hố chậu phải, ranh giới không rõ rệt. Với tình trạng đám quánh ruột thừa, nó có thể tan dần hoặc diễn biến thành áp xe ruột thừa.
Khi bị viêm ruột thừa nên tiến hành điều trị kịp thời (Nguồn: benhvienhungvuong.vn)
6. Điều trị viêm ruột thừa cấp
Trước hết, khi phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến bệnh viêm ruột thừa cấp cần phải đi thăm khám để chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời. Khám lâm sàng thông qua cơn đau ở vùng hố chậu phải, đưa ra kết luận ban đầu về viêm ruột thừa hay viêm ở một cơ quan nào khác, bắt đầu tiến hành các xét nghiệm về sau. Một số xét nghiệm liên quan để xác định cơn đau của người bệnh bao gồm tổng phân tích nước tiểu, loại trừ khả năng bị sỏi thận hay nhiễm trùng tiểu; với phụ nữ, để loại trừ viêm nhiễm vùng chậu, bác sĩ tiến hành khám khung xương chậu; loại trừ trường hợp thai ngoài tử cung; chụp X-quang, siêu âm, CT scan,…
Khi chắc chắn về bệnh viêm ruột thừa cấp, phương pháp tốt nhất và triệt để nhất là cắt bỏ ruột thừa, nhưng nếu tùy vào thể trạng bệnh nhân, cấp độ diễn biến của bệnh và hướng lựa chọn của người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra các phương án điều trị khác bằng kháng sinh và truyền dịch. Nếu bệnh nhân có ổ áp xe nhưng chưa vỡ, bác sĩ có thể điều trị bằng kháng sinh, dẫn lưu ổ áp và tiến hành phẫu thuật sau khi điều trị viêm nhiễm. Còn nếu vỡ ổ áp xe, nghiêm trọng hơn là viêm phúc mạc thì bạn cần phẫu thuật ngay lập tức, đó là khẩn cấp và bắt buộc. Phẫu thuật mổ cắt bỏ ruột thừa có 2 loại phụ thuộc vào mức độ, thể trạng bệnh: phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở.
6.1. Phẫu thuật nội soi
Đây là phương pháp tiên tiến, an toàn và được lựa chọn phổ biến nhất. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch lên bụng phần cần phẫu thuật một vết nhỏ khoảng 0,5-1cm. Từ vết rạch vừa tạo ra, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật sẽ đưa các kênh thao tác, tạo một khoang làm việc bên trong ổ bụng, đưa cacbonic vào ổ bụng và xem toàn bộ qua một màn hình dẫn truyền hình ảnh nhờ sự hỗ trợ của camera chuyên dụng. Việc phẫu thuật nội soi có sự can thiệp của công nghệ hiện đại là lựa chọn tối ưu, hiệu quả, nhanh chóng, giảm đau đớn và thẩm mĩ hơn, khả năng phục hồi nhanh hơn so với loại phẫu thuật thứ hai là phẫu thuật mở.
6.2. Phẫu thuật mở
Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống, chi phí thấp hơn so với phẫu thuật nội soi. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật sẽ rạch ở bụng phải vị trí của ruột thừa, nơi cần phẫu thuật một vết rạch khoảng 5cm để vết thương, vùng viêm nhiễm lộ ra ngoài và bắt đầu quá trình tiến hành phẫu thuật mở. Sau khi kết thúc dùng chỉ để khâu vết thương lại. Với phương pháp này người bệnh sẽ đau hơn, để lại vết sẹo lớn và thời gian hồi phục chậm hơn.
Sau khi phẫu thuật, dù phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mở thì người bệnh vẫn nên ở lại hồi sức khoảng 2 tiếng, các bác sĩ sẽ theo dõi và đưa ra điều trị sau phẫu thuật, thời gian theo dõi khoảng 2 ngày hơn, sau đó bệnh nhân có thể về nhà tự điều trị và tuân theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ. Chú ý hơn trong chế độ ăn uống, tập trung vào các loại thực phẩm ngon bổ nhanh lành vết thương.
Chế độ ăn uống khoa học giúp bệnh nhân mau hồi phục (Nguồn: caothaoduoc.com)
7. Cách phòng chống viêm ruột thừa cấp
Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, với bất cứ loại bệnh nào dù đơn giản hay phức tạp cũng sẽ tốn chi phí, gây đau đớn, ảnh hưởng đến thể trạng và tâm lý người bệnh. Do đó, chúng ta cần phải có biện pháp hợp lý và hiệu quả không chỉ phòng chống bệnh viêm ruột thừa cấp mà còn đảm bảo sức khỏe, phòng chống hàng loạt các bệnh khác trong cơ thể.
7.1. Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Chế độ ăn uống là một phần vô cùng quan trọng đối với hệ tiêu hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đảm bảo một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn phòng tránh và ngăn ngừa căn bệnh viêm ruột thừa khá nguy hiểm này. Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, có một số loại thực phẩm tốt cho sức khỏe nên lưu ý và sử dụng hàng ngày. Một gợi ý rất hữu ích đó là tích cực bổ sung rau xanh tốt cho tiêu hóa vào thực đơn hàng ngày của mình. Như các bạn đã biết, rau chứa nhiều chất xơ và khoáng chất, không chỉ làm đẹp da, cơ thể mát mẻ, mà còn giúp tiêu hóa tốt, phòng bệnh viêm ruột thừa, đặc biệt là các loại rau củ màu xanh sẫm như súp lơ, rau cải giúp loại bỏ độc tố, các loại đậu, cà chua,… cũng rất tốt để ngăn ngừa viêm ruột thừa. Loại thực phẩm thứ hai giúp phòng bệnh này đó là thực phẩm giàu tinh bột( khoai, ngũ cốc,…) giúp hoạt động tiêu hóa thuận lợi, ổn định. Cuối cùng là bổ sung nhiều thực phẩm giàu probiotic lợi khuẩn ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Tất cả các loại trái cây, hoa quả đặc biệt là chuối, táo, dâu, … giàu vitamin và chất xơ, tốt cho nhuận tràng. Bên cạnh đó, nên sử dụng các thực phẩm chống viêm nhiễm như nghệ, chanh, tỏi,… ; trà xanh, trà gừng thanh lọc cơ thể rất tốt. Một việc quan trọng trong điều chỉnh chế độ ăn uống đó là nói không với các chất kích thích, bia rượu, hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán ngập dầu mỡ, cà phê, đồ ăn quá mặn hoặc cay nóng,…
7.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt:
Một thói quen sinh hoạt hợp lý lành mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng, phòng tránh các bệnh nguy hiểm như viêm ruột thừa. Mỗi ngày cần dành thời gian từ 30-45 phút để tập thể dục, tham gia các lớp yoga, aerobic, gym,…. Xây dựng một bài tập vừa phải với sức lực và thể chất từng người, những bài tập nhẹ quá sẽ không có hiệu quả nhưng những bài tập quá nặng sẽ gây choáng, đau mỏi cơ kéo dài, chấn thương cho cơ thể. Nên ngủ sớm, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, thức khuya thiếu ngủ sẽ làm hệ tiêu hóa bị rối loạn, tăng khả năng mắc các bệnh về tiêu hóa. Mỗi bữa ăn nên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng và tươi mát như rau củ quả, ăn chậm, nhai kỹ,… Và cuối cùng bạn nên thường xuyên áp dụng cách đi xả stress giải tỏa căng thẳng đơn giản, hiệu quả để tránh áp lực nặng trong thời gian dài và giữ cho bản thân luôn ở trạng thái vui vẻ, thoải mái.
Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe (Nguồn: vn-test-11.slatic.net)
Nói chung, viêm ruột thừa cấp là bệnh ngày càng phổ biến, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng và nguy hiểm đến tính mạng, cần phải nắm rõ những thông tin cần thiết về căn bệnh cũng như phòng tránh tốt nhất cho sức khỏe của bản thân.
Hãy tham khảo các thực phẩm hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh viêm ruột thừa. Với những dấu hiệu bất thường nào bên trong cơ thể bạn nên tới thăm khám chuyên khoa tại các bệnh viện, phòng khám uy tín để có phương pháp điều trị sớm nhất tránh trường hợp bệnh phát triển nặng hơn.